Nhập từ khóa

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

ICO - Một mô hình đầu tư tư bản kiểu mới


Đợt phát hành tiền lần đầu ( Initial Coin Offering - ICO ) đang thật sự tạo nên một cơn sốt trong cộng đồng Blockchain. Ý tưởng đằng sau mỗi quá trình ICO là lời hứa xây dựng một sản phẩm hay dịch vụ dựa trên công nghệ Blockchain bởi công ty cần thu hút vốn.

Để có thể kiếm được số tiền cần thiết phục vụ cho việc thực hiện kế hoạch của mình , công ty sẽ phát hành các token kĩ thuật số và bán chúng cho những người đóng góp (contributor), điều mà thường được làm một cách đồng loạt.

Những người đóng góp sau đó có thể dùng những token này để chạy ứng dụng sau khi nó đã được công ty cho ra mắt và đi vào hoạt động hoặc đơn giản có thể giữ chúng rồi bán lại để kiếm lời.

Ngày càng có nhiều start-up Blockchain đang tổ chức các đợt bán token như là một cách để gây quỹ thông qua hình thức ICO, tương tự như quá trình IPO mà ta hay bắt gặp trong chứng khoán. Trong khi các công ty chỉ có thể kiếm được 260 triệu USD từ ICO vào năm ngoái thì bước sang sáu tháng đầu năm 2017, con số ấy đã tăng lên mức chóng mặt 560 triệu USD (số liệu từ hãng thống kê Smith + Crown cho hay)

Các đợt ICO đang được xem như một phương pháp thay thế cho "gọi vốn cộng đồng" (crowdfunding) và từng bước thay đổi cách các start-up tìm kiếm tư bản cho mình. Nó về cơ bản là giải pháp giúp start-up Blockchain có được vốn mà không phải tìm đến hệ thống tài chính và ngân hàng.

Tuy token cũng hoạt động giống y như các tài sản kiểu cổ phiếu khác nhưng chúng không nên được xem là giống nhau. Thật vậy, để có thể giao dịch chứng khoán thì cổ phiếu cần phải được đăng kí với chính quyền, ví dụ như ở Mỹ thì phải có giấy phép từ Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC). Trái lại, điều này không được áp dụng trong trường hợp của token, vốn chỉ đóng vai trò như những phương tiện giúp người dùng tiếp cận với một ứng dụng nào đó của Blockchain.

Phá vỡ các kỉ lục

Vào năm 2013, Mastercoin đã tổ chức một đợt phát hành token và trở thành dự án đầu tiên sử dụng hình thức kêu gọi vốn đầu tư kiểu mới này. Cho dù xuất hiện nhiều cảnh báo cho rằng Mastercoin thực chất chỉ là một trò lừa đảo, vẫn có nhà đầu tư dũng cảm chấp nhận rủi ro và đóng góp lượng tiền trị giá $ 500,000 ở thời điểm đó.

Ethereum tiếp bước trào lưu trên trong năm 2014 và đã gây quỹ thành công 18 triệu USD, cho dù sau đó nó đã bị thiệt hại nặng nề do sự kiện giá Bitcoin rớt thể thảm. Nhưng kể từ đó, ICO bắt đầu từng bước phá vỡ các kỉ lục, cho đến khi một công ty vốn liên doanh đi vào lịch sử cho việc gây quỹ được số tiền lên đến 160 triệu USD trong năm 2016. Không ai khác chính là DAO khét tiếng, cái tên mà không lâu sau đã bị hacker tấn công và cướp đi đến gần 50 triệu USD.

Bởi vì các đợt ICO không do SEC quản lí cho nên chính quyền gần như bất lực trước các vụ việc nói trên. Những start-up mà phát hành token trở thành những thực thể tự giám sát mà không cần bên thứ ba, nhưng đổi lại người đóng góp sẽ không được đảm bảo là liệu công ty sau khi đã kiếm được rất nhiều tiền rồi thì có tiếp tục tuân theo kế hoạch mà nó đã đưa ra ngay từ đầu hay không. Tình trạng pháp lí mơ hồ là một trong những yếu tố biến ICO thành những kênh đầu tư hết sức rủi ro

Không luật lệ quản lí

Hiện tại, SEC đang xem xét kĩ lưỡng phương thức đóng góp vốn này nhưng cho đến thời điểm SEC đưa ra một quyết định cụ thể nào đó thì những người đóng góp vẫn sẽ không thể nhận được bất kì sự bảo vệ nào đối với thương vụ đầu tư của mình.

Aaron Ting, Phó Chủ tịch của Hiệp hội đầu tư Malaysia tin rằng :

"ICO là một phương án đầu tư dành cho những người mà thích 'liều thì được nhiều"

"Kể cả khi bản báo cáo đề cập rằng thông qua việc mua token từ các đợt ICO, nhà đầu tư có thể sở hữu một phần tài sản của start-up và được hưởng lợi tức từ nó nhưng bạn sẽ chẳng thế làm được gì nếu như dự án không trở thành hiện thực và những người đứng đằng sau nó ôm hết tiền rồi bỏ trốn. Hiện tại thì vẫn chưa có bất kì luật lệ hay quy định nào giúp quản lí không gian này cả" - Matthew Tan, nhà sáng lập kiêm CEO của Etherscan, giải thích

Đam mê đầy rủi ro

Thông qua việc xem lại quá trình phát triển của các start-up xây dựng lên từ ICO trong quá khứ, người ta có thể nhận xét rằng không phải cái nào cũng đã thật sự thành công, Tất nhiên là cần rất nhiều thời gian để có thể tạo lập một công ty toàn cầu nhưng thành quả to lớn trong lĩnh vực này có thể giúp gia tăng thêm tự tin đến với giới đầu tư.

Bên cạnh những trắc trở nêu trên, cũng rất khó để chúng ta phân biệt đâu là một dự án có tiềm năng và đâu là một trò lừa đảo tinh vi, có tổ chức. Chính vì lí do này, nhiều chuyên gia trong ngành nhấn mạnh rằng những người đóng góp phải tìm hiểu càng nhiều càng tốt về dự án mình sắp đầu tư, thậm chí trở nên thân thiết với những người đề xướng nó, nắm rõ xác suất thành công và tiềm năng ứng dụng rộng rãi sau này của ý tưởng đang tiến hành ICO.

Robin Lee, nhà sáng lập và cũng là CEO của Hello Gold, nhớ lại :

"Mọi chuyện cũng giống như hồi Internet mới bùng nổ vậy. Khi ấy chẳng ai có thể dự đoán được rằng Google, Apple hay Amazon lại có thể trở thành những gã khổng lồ như ngày hôm nay. Tiềm năng của loại công nghệ này (Blockchain và ICO) rất lớn, nhưng vẫn rất khó để có thể dự đoán rốt cuộc thì ai thành ai bại. Nó vẫn đang trong giai đoạn phát triển sơ khởi của mình"

Hơn thế nữa, những dự án thiết lập thông qua ICO gần đây cũng phải đối mặt với muôn vàn rủi ro "Bơm giá rồi đổ vỏ" (Pump and Dump) là một hành vi gian lận chứng khoán mà bao gồm hoạt động bơm giá trị của một loại cổ phiếu lên cao ngất ngưởng bằng cách tung ra các thông tin sai lệch và gây hiểu nhầm để rồi có thể bán cổ phiếu mà mình đã mua rẻ bèo ở mức giá cao hơn và kiếm lời. Những chiến thuật như trên không phải là không có trên thị trường Cryptocurency, nơi mà vẫn ít được quan tâm quản lí.

Rồi vẫn còn khả năng các dự án bị tấn công mạng với mục tiêu làm giá các token tụt dốc - chiêu thức thường được hacker sử dụng kết hợp với giao dịch kí quỹ ( margin trading ) để làm giàu trên mồ hôi công sức của người khác.

Một mô hình mới lạ

Mặc dù chứa trong nó rất nhiều rủi ro nhưng ICO lại rất phù hợp để có thể giúp tích góp được một lượng vốn lớn mà lại không cần phải liên hệ với bên trung gian thứ ba. Thay vì phân chia lợi nhuận giống như các công ty truyền thống, những start-up Blockchain giờ đây có thể thưởng thêm cho nhóm những người ủng hộ đầu tiên đã đặt niềm tin vào dự án của mình.

Matt Levine, một cây bút của Bloomberg, giải thích:

"Công ty và khách hàng của mình là hai bộ phận thiết yếu đối với hệ thống, còn nhà đầu tư trong mô hình đầu tư Blockchain kiểu mới này, chỉ là người ngoài và có thể được gạt sang một bên"

Theo quan điểm trên, mục đich của các token là chỉ được dùng để giúp khách hàng tiếp cận một dịch vụ, một ứng dụng, thay vì đem bán đi cho các nhà đầu tư có tổ chức những người mà chỉ muốn lời từ sự tăng trưởng của công ty. Hiện tượng ICO là minh chứng rõ ràng nhất cho nhu cầu tự do đầu tư bên ngoài các hệ thống tín dụng già cỗi. Mạng lưới Blockchain thậm chí còn có thể tự mình điều chỉnh các hành vi xấu trong phân khúc của mình.

"Tuy lịch sử của ICo đã chứng kiến nhiều vụ lừa đảo trắng trợn, thủ đoạn pump-and-dump , âm mưu Ponzi nhưng bây giờ hầu hết hết các hoạt động phạm pháp lại đang được giám sát chặt chẽ bởi các tổ chức thẩm định tự do chính tay cộng đồng người dùng lập nên, phối hợp với các đơn vị bên ngoài như là Smith + Crown hay ICO Rating" - trích lời Richard Kastelein nhà sáng lập của Blockchain Partners.

Giống như các doanh nghiệp truyền thống đây nên là lúc chúng ta bắt đầu có một cái nhìn nghiêm túc hơn đối với phân khúc tài chính còn mới lạ này. Nó không chỉ bao gồm số tiền có thể kiếm được mà còn về sự xuất hiện của một mô hình đầu tư tư bản Blockchain kiểu mới, có tiềm năng không chỉ giúp xây dựng loại công nghệ tiên tiến này mà còn có thể tạo nền tảng cho cả nhiều start-up lẫn các mạng lưới thuộc những lĩnh vực khác trong tương lai không xa

                                                                                    - Tham khảo : Cointelegraph -

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét